Từng nổi tiếng với “Hồ Quý Ly” và “Mẫu thuợng ngàn”, tiểu thuyết gia Nguyễn Xuân Khánh lại mang đến cho làng văn một quyển sách tầm cỡ. “Đội gạo lên chùa” giản dị và lôi cuốn. Đó là một ngôi chùa ở làng Sọ, đích thị vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Trải qua hai cuộc chiến, những nhân vật đi cùng lịch sử của làng Sọ là những con người theo đạo phật, chỉ quen với ao quê, ruộng vườn, chân lấm tay bùn. Họ sống thuần phác, và có lẽ sẽ bình yên nếu không có những trận càn. Phía sau trận càn là những số phận phiêu diêu, những số phận trải bao can qua mới ngộ được “bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo”.
Nhà Văn Nguyễn Xuân Khánh thời trẻ từng đi bộ đội, ông đi qua rất nhiều làng quê, và sự trải nghiệm ấy được đưa vào làng Sọ trong “Đội gạo lên chùa” với những chi tiết chăm chút và tỉ mỉ. Mùa hoa dẻ hoặc mùa gặt còn xót lại rơm phơi được ông tả thư thả như một họa sỹ chuyên vẽ tranh thiên nhiên. Nhiều số phận ẩn hiện trong đối thoại, thấy rõ hàm ý của nhà văn, thấy rõ ông am hiểu văn hóa phật giáo. Có những trang sách vừa khơi gợi vừa đánh thức để người đọc nghĩ ngợi thêm về phận người đau khổ trên thế gian theo cách lý giải của sư Vô Úy nói với trò:“ có nghiệp thì phải trả. Trả xong, thầy sẽ về với con!”. Những người phụ nữ trong cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh hiện diện thật đáng trân trọng trong “Đội gạo lên chùa” như Nguyệt, như Rêu, như Thầm, như Huệ. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ thì người phụ nữ trong “Đội gạo lên chùa” điển hình của chịu thương chịu khó, sống vì gia đình, quê hương.
Khép cuốn sách “Đội gạo lên chùa”, vẫn như nghe khắc khoải ý niệm “kiếp nhân sinh là con đom đóm, nhưng dù sao cũng là ánh sáng”.