Văn minh vật chất của người Việt là cuốn sách được đánh giá là hay và lạ. Nó là câu chuyện của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng. Những đồ vật ấy làm nên cái thế giới vật chất nhân tạo mà ta sống trong đó, biến đổi nó và cùng tiến hóa với nó. Nhờ phương pháp khảo cứu và phong cách viết đặc sắc, người viết đã sắp xếp ngăn nắp, mạch lạc các chủ đề tưởng như sẽ quá dàn trải. Bằng văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết nghiên cứu và cảm hứng nghệ sĩ, cuốn sách gần 700 trang trở nên nhẹ nhàng “dễ đọc”, không khô khan giáo huấn.
“Bởi vì bất cứ ai thuộc về triều đại hay hệ tư tưởng nào, bất cứ vua chúa hay anh hùng nào rồi cũng phải ăn cơm do cái cày được biến đổi tài tình ấy để cày xới loại đất đặc biệt ấy làm ra. Hơn thế nữa, chính những triều đại và những hệ tư tưởng ấy nói cho cùng cũng từng biến đổi, thịnh suy do chính sự thay đổi ở cái cán, cái điệp, cái lưỡi cày ấy... Phan Cẩm Thượng cho ta thấy điều đó, cho ta nghe ngôn ngữ đó, cụ thể, sinh động. Cái cày của người Việt. Cả cái thuổng, cái cuốc, cái bừa, cái rìu, cái rựa, con dao, cái rổ, cái rá..., cho đến cái bát ăn cơm, cái gáo múc nước, cái chum muối dưa, cái nồi, cái chảo, cái ông đầu rau, cái kiềng đặt nồi trên bếp... Chúng đều nói, và không chỉ nói về đất đai của con người; còn về trời đất của con người và của xứ Việt, về gió bấc và gió nam, mưa phùn mùa xuân, mưa giông mùa hạ, mưa ngâu mùa thu và mưa dầm mùa đông, lụt hiền lành và lũ hung dữ, về những con sông và những núi non, về các cồn cát chan chan dằng dặc ven biển và những cánh đồng phì nhiêu nuôi nấng hay khô cằn khắc nghiệt thách thức con người..., về tất cả những gì con người Việt phải ứng phó, thích nghi, gìn giữ hay biến đổi kiên trì có thể qua hàng nghìn năm miệt mài, thông minh và dũng cảm để mà trường tồn...”.
*****
Mục lục
Lời giới thiệu 1.
Lời giới thiệu 2.
Lời nói đầu.
Lời dẫn.
Chương Một. Những mặt cắt lịch sử
1. Một ngày của người Việt.
2. Sống và chết trên con thuyền.
3. Đường đi lối lại.
4. Xe cộ và thuyền bè.
5. Những mặt cắt lịch sử.
Chương hai. Từ bàn tay đến công cụ
6. Đồ vật quay tròn.
7. Chầy và cối.
8. Công cụ hay vũ khí.
9. Từ bàn tay đến công cụ.
10.Công cụ sản xuất thông thường của nhà nông.
11. Đồ gia dụng mây tre đan.
12. Đồ gỗ gia dụng.
13. Đồ gốm và đồ kim khí trong đời sống thường nhật.
Chương ba. Cơm tẻ là mẹ ruột
14. Cơm tẻ là mẹ ruột.
15. Ngô khoai sắn và các loại lương thực khác.
16. Bữa cơm hàng ngày.
17. Cỗ bàn thịnh soạn.
18. Nước chấm.
19. Ăn quà sáng và tối ở thành thị.
20. Bánh nếp và bánh tẻ.
21. Chăn nuôi gia súc và đánh bắt cá.
22. Cây cối hoa quả và vườn tược.
Chương bốn. Sống dầu đèn chết kèn trống
23. Mộ táng. Từ con thuyền đến ngôi mộ.
24. Đồ thờ tự đơn sơ và sang trọng.
25. Đồ trang sức.
26. Tấm áo manh quần.
27. Thập bát ban vũ nghệ.
28. Giấy bút và sách vở.
29. Phường bát âm và nhạc khí.
Chương năm. Nghệ thuật và hành vi
30. Công nghệ kiến trúc và loại hình kiến trúc.
31. Điêu khắc Phật giáo, phù điêu đình làng và tranh dân gian.
32. Cử chỉ thông thường của người Việt
33. Lời ăn tiếng nói liên quan đến đời sống vật chất.
34. Tổng quan về đời sống vật chất của người Việt hiện đại.
Phần kết
35. Những điều rút ra từ các mô hình sống.
36. Thay lời cuối sách.
37. Phụ lục 1. Niên biểu lịch sử văn minh vật chất Việt Nam.
38. Phụ lục 2. Góp ý cho cuốn Văn minh vật chất của người Việt của họa sỹ Phan Bảo.
39. Tài liệu tham khảo.