Lối kể chuyện độc đáo của Đài các tiểu thư khiến người đọc ngạc nhiên ngay từ trang viết đầu tiên: Có hai nhân vật "Tôi" đang kể chuyện. Họ kể chuyện dưới dạng hai cuốn nhật ký song song nhau, hoàn toàn xa lạ với nhau. Những trang nhật ký càng về sau càng đầy ắp những suy nghĩ, những hình ảnh của nhau, vì họ đã gặp và yêu nhau. Những cảm nhận, những trăn trở riêng tư càng khiến họ cần có nhau hơn bao giờ hết. Tác phẩm đã có thể có những điểm dừng: dừng khi chàng bay ra Hà Nội vì cảm nhận được nàng đang chờ mình trước cổng nhà hát lớn; dừng khi chàng quyết định bỏ Hà Nội lại trong nỗi nhớ để bay đến bên nàng, cùng nàng nắm tay nhau đi qua những khó khăn... Nhưng không, tác giả không chịu dừng lại ở đó. Giống như những câu chuyện yêu đương ngàn năm không kể hết, câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính cứ đi mãi, đi mãi. Kể cả sau cái kết hạnh phúc dành cho họ, người ta vẫn có thể viết tiếp không ngừng. Cái kết "happy end" cũng là nụ cười dành cho những con người luôn sống hết mình vì tình yêu: có thể tình yêu của bạn ở đâu đó rất gần, điều quan trọng là bạn hãy luôn mở lòng mình ra để chờ đón lấy.
Với tình huống "các mắc cạn", tác phẩm không chỉ gợi đến sự bâng khuâng về mối tình lãng mạn, mà còn rất tự nhiên khi đề cập đến những sự khác nhau về văn hoá, về lối sống... giữa hai miền Nam - Bắc. Cao hơn tất cả những điều đó, tác phẩm còn là lời khẳng định: tình yêu có thể dung hoà mọi sự khác biệt ngoài con tim.
Nguyễn Hoàng Vân Anh (Vnexpress)