Cây Bàng Lá Đỏ - Lê Văn Ba
Đã tưởng mỏi mòn trong xà lim tử hình chờ ngày ra trường bắn. Bất ngờ, đêm Giáng Sinh 1951, mười sáu chiến sĩ tử tù cưa đứt song sắt, bật khóa cùm chui qua đường cống ngầm thoát ngục Hỏa Lò. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hàng năm, cứ đến ngày 24 tháng 12 những tử tù sống sót lại tìm về với nhau.
Mỗi người một số phận, một cảnh ngộ… Có người trở thành hòa thượng, chân tu đắc đạo, có anh là nhà giáo, doanh nhân, giám đốc xí nghiệp, có người chỉ là thợ cắt tóc bình thường. Và có người lại vào nhà giam, bị khai trừ khỏi Đảng vì vẫn mang trong người chất Hỏa Lò. Thì ra nhà tù Hỏa Lò với những cây bàng khẳng khiu trở thành hành trang cuộc đời trong mỗi người tù năm xưa.
Cây bàng lá đỏ chỉ tập trung khắc họa số phận của 16 chiến sĩ tử tù vượt ngục, nhưng chỉ với bấy nhiêu thôi, tác giả cũng đã làm sống động một cách sinh động cả một thời đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc với những câu chuyện đau lòng, với những số phận sống dở, chết dở, những tấn bi hài kịch cười ra nước mắt. Những đoạn ông tả cảnh xếp hàng, cảnh mua bán thời bao cấp, thời kỳ mỗi cán bộ đều có bạn lớn (nói lái của lợn bán), thời kỳ người Hà Nội “tài hoa” tìm mọi cách cải thiện đời sống.. mới thấm thía, gan ruột. Lớp trẻ ngày nay có thể lấy làm lạ lùng, có thể không tin, nhưng những người đã từng trải qua khi đọc vẫn không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.
Thành công lớn của Cây bàng lá đỏ ấy là một vốn sống dồi dào phong phú và cách sử dụng, sắp xếp lớp lang một cách khá hợp lý cùng một lối viết đĩnh đạc, trong sáng. Nhưng cũng chính sự trải nghiệm kiến thức nhiều mặt của tác giả có khi đã át vía cả nhân vật, làm cho mạch chuyện đi chậm lại và tính cách “gan đồng da sắt” của các chiến sĩ tử tù mà Lê Văn Ba miêu tả có thể làm người ta khâm phục nhưng đôi chỗ khó tin có ở cuộc đời thực. Đó cũng là điểm mạnh và yếu của cuốn tiểu thuyết ít nhiều có tính chất luận đề này.
Mời bạn đón đọc.